Tổng hợp các dấu hiệu mang thai sớm trong những tuần đầu mà các chị em có thể nhận biết ngay
Tuần đầu tiên của thai kỳ được tính theo kỳ kinh cuối cùng của người phụ nữ. Theo đó, kỳ kinh cuối cùng được xem là tuần đầu tiên (tuần 1) của thai kỳ kéo dài 40 tuần (280 ngày).
Mặc dù thử thai hoặc siêu âm là những cách phổ biến để xác định chị em có mang thai hay không, nhưng một sự thật là khi quá trình thụ thai và làm tổ diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt nghĩa là chị em đã mang thai. Tuy nhiên, để kết quả xét nghiệm mang thai là dương tính phải đợi 5-7 ngày hoặc lâu hơn. Trong thời gian đó, chị em có thể để ý nhận biết các biểu hiện có thai sau.
1. Chậm kinh
Chậm kinh là cách nhận biết có thai đơn giản nhất, rất nhiều chị em phát hiện bản thân có tin vui nhờ tình trạng này.
Chậm kinh là tình trạng kinh nguyệt đến muộn hơn so với kỳ kinh nguyệt bình thường hàng tháng. Nếu vốn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn nhưng đột nhiên chậm vài ngày sau khi quan hệ tình dục không an toàn, đó có thể là dấu hiệu có bầu đáng tin cậy.

Sau khi phôi nang làm tổ các tế bào sẽ tiếp tục phân chia, trong đó một số tế bào phát triển thành thai nhi và số còn lại hình thành nhau thai. Rau thai sẽ bắt đầu sản xuất và giải phóng gonadotropin màng đệm ở người (hCG) vào máu và nước tiểu. Thông thường, hCG có thể được tìm thấy trong máu của phụ nữ vào khoảng 11 ngày sau thụ thai. Phải mất một thời gian lâu hơn hCG mới xuất hiện trong nước tiểu.
Vì thế, nếu bị trễ kinh và nghi ngờ có thai, chị em nên đi thử máu hoặc sử dụng que thử thai để kiểm tra. Nếu các xét nghiệm cho kết quả mang thai, hãy đi siêu âm để xác định thai nằm trong tử cung hay ngoài tử cung. Trường hợp không mong muốn thai nằm ngoài tử cung, bác sĩ sẽ tư vấn hướng xử trí kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ cũng như khả năng mang thai sau này.
2. Ra máu nhẹ
Khi phôi nang bám vào lớp niêm mạc tử cung để làm tổ có thể gây chảy máu. Hiện tượng này có thể gây nhầm lẫn với kinh nguyệt, nhưng chị em cần chú ý các đặc điểm sau để nhận biết báo hiệu sớm việc có thai.
Máu chảy ra có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu, thường ít hơn nhiều so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường, kéo dài dưới 3 ngày hoặc chỉ trong vài giờ. Tình trạng chảy máu có thể đi kèm cơn đau nhưng nhẹ hơn cơn đau bụng kinh bình thường. Nghiên cứu cho thấy, khoảng ¼ chị em bị ra máu ở giai đoạn đầu của thai kỳ.
3. Nhiệt độ cơ thể tăng
Thân nhiệt cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu có thai. Lượng hormone progesterone tiết ra trong thời kỳ đầu mang thai có thể khiến nhiệt độ cơ thể phụ nữ tăng lên. Tuy nhiên, vì biểu hiện này giống những ngày rụng trứng nên nhiều chị em thường hay không để tâm.
4. Nhịp tim tăng
Mang thai có thể làm tăng thêm áp lực cho tim và hệ tuần hoàn bởi cơ thể phải làm việc nhiều hơn bình thường để nuôi dưỡng thai nhi. Khi mang thai, thể tích máu của phụ nữ sẽ tăng 40-50%, nhịp tim tăng 10-20 nhịp mỗi phút để bơm nhiều máu hơn.
5. Mệt mỏi và khó chịu
Khi thụ thai thành công, nồng độ hormone progesterone trong cơ thể bắt đầu tăng nhanh và tiếp tục tăng trong suốt ba tháng đầu thai kỳ. Progesterone là hormone duy trì nội tiết tố của thai kỳ, ngăn ngừa co bóp tử cung và ức chế đáp ứng miễn dịch sớm. Sự gia tăng đột ngột của hormone này trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể khiến chị em cảm thấy mệt mỏi và khó chịu, đôi lúc kiệt sức.
6. Thay đổi ở vú (ngực)
Một trong những triệu chứng dễ nhận thấy nhất là vùng ngực sưng đau, núm vú sẫm màu và nhô ra, quầng vú lớn hơn. Nguyên nhân bởi nồng độ hCG tăng cao khiến vùng ngực khi mang thai thay đổi khi mang thai cả về hình dáng và kích cỡ. Sau ba tháng đầu thai kỳ, triệu chứng này thường giảm dần và mất hẳn vì lúc này cơ thể phụ nữ đã có khả năng tự điều chỉnh theo sự thay đổi nội tiết tố.

7. Thay đổi tâm trạng
Thay đổi tâm trạng khi mang thai là hiện tượng bình thường và phổ biến, tình trạng này có liên quan đến sự thay đổi nồng độ nội tiết tố làm ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh (chất truyền tin hóa học trong não). Một số chị em cảm thấy hưng phấn hơn, trong khi số khác lại cảm thấy hụt hẫng, buồn chán và lo lắng hơn. Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được giải tỏa tâm lý, tránh tình trạng stress khi mang thai.
8. Ốm nghén, buồn nôn và nôn
Một dấu hiệu mang thai điển hình, không thể không nhắc đến chính là ốm nghén. Ốm nghén là tình trạng phổ biến trong thai kỳ, xảy ra ở 70-80% phụ nữ mang thai với các triệu chứng như buồn nôn và nôn, ăn uống kém ngon miệng…
Mặc dù ốm nghén thường xảy ra vào buổi sáng nên có tên tiếng Anh là morning sickness, nhưng cũng có thể xảy ra vào bất cứ buổi nào trong ngày. Tình trạng này thường biến mất vào tuần thứ 16 đến tuần thứ 20 của thai kỳ, nhưng cũng có thể kéo dài suốt thai kỳ đến lúc sinh, chị em đừng lo lắng vì sẽ không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

9. Âm đạo thay đổi màu sắc và tăng tiết dịch
Ngay sau khi thụ thai, âm đạo và âm hộ của phụ nữ có thể có sự thay đổi màu sắc. Nguyên nhân bởi lượng máu cung cấp đến cơ quan này tăng lên, có thể chuyển từ màu hồng sang tím hoặc đỏ tía. Ngoài ra, âm đạo có thể tăng tiết dịch nhiều hơn và nặng mùi hơn bình thường. Đây cũng là dấu hiệu có bầu mà chị em có thể để ý.
10. Chóng mặt
Có thể chị em hơi bất ngờ nhưng chóng mặt hoặc cảm giác muốn ngất xỉu là một triệu chứng bình thường khi mang thai. Triệu chứng này thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất, nhưng cũng có thể gặp phải trong suốt thai kỳ.
Nguyên nhân khiến chị em bị chóng mặt khi mang thai là do hormone tăng cao khiến mạch máu bị giãn ra. Việc này làm tăng lưu lượng máu đến thai nhi, nhưng lại làm chậm quá trình dẫn truyền máu trong tĩnh mạch trở về. Kết quả là huyết áp thấp hơn bình thường, có thể làm giảm lưu lượng máu đến não, gây ra triệu chứng chóng mặt tạm thời.
11. Đau bụng râm ran
Quá trình phôi thai bám vào lớp niêm mạc tử cung để làm tổ có thể khiến chị em cảm thấy đau râm ran ở bụng, cảm giác đau tương tự như đau bụng trước kỳ kinh nguyệt. Nếu nhận thấy triệu chứng này đi kèm nhiều dấu hiệu có bầu khác, chị em nên thử thai để có kết quả chính xác.
12. Đau lưng
Khi mang thai, tử cung sẽ tăng dần kích thước để đáp ứng với sự phát triển lớn dần của thai nhi. Lúc này chị em có thể cảm nhận được các cơn đau ở vùng sống lưng, khi thai lớn nhanh hơn những cơn đau lưng sẽ xảy ra thường xuyên và âm ỉ hơn.
13. Nhạy cảm với mùi
Nhạy cảm với mùi là một trong những dấu hiệu mang bầu ở giai đoạn đầu. Khi mang thai, khứu giác phụ nữ thường nhạy cảm hơn nên một số mùi trước đây như mùi thức ăn, mùi mỹ phẩm… vốn bình thường đột nhiên trở nên khó chịu, thậm chí có thể gây cảm giác buồn nôn, nôn.
14. Nhạy cảm với nhiệt độ
Trong khi sáng nay khi vừa thức dậy chị em thấy lạnh cóng, nhưng chỉ nửa giờ sau lại thấy khó chịu vì quá nóng. Đừng quá lo lắng khi gặp tình trạng này vì việc nhạy cảm với nhiệt độ cũng là báo hiệu của sự thay đổi nồng độ nội tiết tố khi mang thai.
15. Tăng cân
Nếu vốn có cân nặng ổn định, vóc dáng gọn gàng, thậm chí vòng eo thon gọn nhưng đột nhiên cảm thấy cơ thể nặng nề hơn, bộ quần áo yêu thích vừa vặn trở nên bó sát hơn cộng với dấu hiệu thèm ăn, ăn rất ngon miệng… nhiều khả năng chị em đã có tin vui.
16. Đi tiểu nhiều lần
Nếu bỗng nhiên chị em thường xuyên đi tiểu vào ban đêm, đó có thể là dấu hiệu mang thai sớm tuần đầu. Nguyên nhân bởi sự thay đổi nồng độ hCG cùng sự phát triển kích thước của tử cung có thể gây áp lực lên bàng quang.
17. Đầy hơi
Khi nồng độ hormone progesterone tăng mạnh mẽ có thể gây ra những thay đổi lớn trong cơ thể phụ nữ, một trong số đó là làm cho các cơ bắp, bao gồm các cơ trong ruột trở nên “lười biếng” hơn. Điều này đồng nghĩa quá trình tiêu hóa bị chậm lại, gây ra tình trạng đầy hơi và ợ hơi.
18. Ợ chua
Hormone thai kỳ có thể khiến van giữa thực quản và dạ dày giãn ra, tạo điều kiện cho axit trong dạ dày bị rò rỉ gây ra ợ chua. Để khắc phục triệu chứng này chị em nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, cố gắng giữ tư thế ngồi thẳng ít nhất 1 giờ sau ăn để thức ăn được tiêu hóa tốt hơn.
19. Táo bón
Hormone progesterone cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng này ở giai đoạn đầu thai kỳ. Nồng độ hormone tăng cao làm chậm quá trình chuyển động của nhu động ruột gây ra táo bón. Để khắc phục, chị em hãy uống nhiều nước và tăng cường bổ sung các loại rau củ quả, trái cây.
20. Thay đổi ở da
Lưu lượng máu tăng lên kết hợp với lượng hormone thai kỳ tăng cao sẽ thúc đẩy nhiều máu hơn đi qua các mạch, điều này khiến các tuyến dầu của cơ thể phải tăng công suất làm việc. Chính sự gia tăng hoạt động của các tuyến dầu mà làn da của chị em có thể trở nên ửng hồng, căng bóng hơn, nhưng cũng có một số chị em bị nổi mụn.
21. Khó thở và hụt hơi
Khó thở và hụt hơi thường là dấu hiệu mang thai lần đầu tiên (con so), có thể xuất hiện ở những tháng đầu và tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do cơ thể mẹ cần thêm lượng oxy để nuôi dưỡng thai nhi phát triển. Ngoài ra, nồng độ hormone progesterone tăng lên cũng dẫn đến tình trạng khó thở, hụt hơi.
22. Nướu sưng và đau
Khi cơ thể tập trung lượng máu và lượng chất lỏng cho việc nuôi dưỡng thai nhi, chị em rất dễ bị sưng các mô, bao gồm cả nướu. Vì thế, chị em hãy chú ý đến hiện tượng viêm nướu, đau, chảy máu hoặc mắt, mặt sưng húp bởi đó là một trong những dấu hiệu có thai dễ nhận thấy bằng mắt thường.
23. Các dấu hiệu khác
Ngoài những triệu chứng điển hình kể trên, chị em có thể gặp một số biểu hiện khác. Chẳng hạn như khoang miệng bỗng dưng tiết nhiều nước bọt hơn bình thường hoặc xuất hiện rôm, sảy ở những vùng da có nếp gấp…
Các dấu hiệu có thai sớm có giống nhau ở tất cả phụ nữ không?
- Các dấu hiệu mang thai ở mỗi người là rất khác nhau. Một số chị em có những dấu hiệu mang bầu trước khi có kết quả thử thai dương tính, những chị em còn lại có thể gặp ít hoặc không có triệu chứng mang thai nào. Thậm chí, các dấu hiệu có thai có thể khác nhau ở mỗi lần mang thai.
- Chị em hãy nhớ rằng, cơ thể mỗi phụ nữ là riêng biệt và đặc biệt. Hãy yêu thương bản thân, chú ý những dấu hiệu khác lạ của cơ thể để nhận biết sớm bản thân có đang mang thai hay không. Nếu có bất kỳ lo lắng hoặc nghi ngờ nào, đừng ngần ngại mà hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán chính xác và có hướng dẫn kế hoạch chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc trọn vẹn.