Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì? Các xét nghiệm trước khi kết hôn? Quy trình khám tiền hôn nhân như thế nào?
Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp giảm bớt những gánh nặng và rủi ro có thể xảy ra, góp phần mang đến một cuộc hôn nhân an toàn, suôn sẻ. Vậy khám tiền hôn nhân là khám những gì?
KHÁM SỨC KHỎE TIỀN HÔN NHÂN GỒM NHỮNG GÌ?
Hiện nay, những gói khám sức khỏe trước khi cưới thường được chia làm các hạng mục cho nam và nữ. Từng gói khám cho các đối tượng có một số hạng mục khác nhau nhưng nhìn chung các gói khám được chia làm hai mục là khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản.

1. Khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam
Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho nam giới gồm những hạng mục:
- Khám sức khỏe tổng quát: Khám lâm sàng (huyết áp, chỉ số cơ thể), đánh giá tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, xét nghiệm máu và sinh hóa máu (nhóm máu, công thức máu toàn phần, đường huyết, Ure, GOT, GPT, Creatinin, Cholesterol, Triglycerid…), xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm viêm gan, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm đánh giá bệnh tan máu/bệnh thiếu máu bẩm sinh…
- Khám sức khỏe sinh sản: Khám lâm sàng bộ phận sinh dục, siêu âm tinh hoàn, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo, kiểm tra nội tiết tố sinh dục, xét nghiệm chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục…
2. Khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nữ
Với nữ giới, các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân thường bao gồm:
- Khám sức khỏe tổng quát: Khám lâm sàng (huyết áp, chỉ số cơ thể), đánh giá tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, xét nghiệm máu và sinh hóa máu (nhóm máu, công thức máu toàn phần, đường huyết, Ure, GOT, GPT, Creatinin, Cholesterol, Triglycerid…), xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm viêm gan, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm đánh giá bệnh tan máu/bệnh thiếu máu bẩm sinh…
- Khám sức khỏe sinh sản: Siêu âm phụ khoa, siêu âm tuyến vú, soi tươi dịch âm đạo, kiểm tra hormone sinh dục, sàng lọc di truyền, tư vấn tiêm phòng các mũi vắc xin quan trọng trước khi mang thai (với cặp đôi có dự định có con sớm) hoặc tư vấn biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả (với cặp đôi chưa có ý định có con ngay sau khi kết hôn).
CÁC XÉT NGHIỆM TRƯỚC KHI KẾT HÔN
Trước khi kết hôn, khi khám sức khỏe, ngoài việc đánh giá sức khỏe lâm sàng và tiền sử bệnh lý, còn cần thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:
1. Xét nghiệm máu trước kết hôn
Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm cơ bản của các gói khám sức khỏe. Xét nghiệm máu thường bao gồm kiểm tra nhóm máu, chất lượng các tế bào dòng máu, kiểm tra các bệnh về máu như thiếu máu, sự tương thích về nhóm máu của các cặp vợ chồng…

2. Xét nghiệm di truyền trước khi cưới
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm xét nghiệm các bệnh lý có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái, chẳng hạn như hội chứng Down, hội chứng xương thủy tinh, hội chứng Klinefelter, tam nhiễm sắc thể 18, tam nhiễm sắc thể 13, migraine, rối loạn phổ tự kỷ… Khi người vợ hoặc chồng mắc bệnh di truyền cho gen trội thì khi sinh con, trẻ có nguy cơ mắc bệnh lên đến 50%. Còn nếu bất thường ở gen lặn thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh ở mức 25% – 50%.
3. Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm tiền hôn nhân
Khám sức khỏe trước khi cưới không thể bỏ qua bước thăm khám, đánh giá các bệnh lý truyền nhiễm như viêm gan A, viêm gan B, HIV… Các bệnh này có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ rệt, đặc biệt là ở giai đoạn đầu nên rất khó phát hiện. Việc tầm soát, xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm trước khi cưới giúp phát hiện, kiểm soát bệnh, thực hiện phương pháp để phòng ngừa bệnh lây nhiễm chéo và lây sang cho con. Việc phát hiện bệnh sớm còn giúp hạn chế nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn.
4. Kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi cưới
Các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam và nữ đều có hạng mục kiểm tra sức khỏe sinh sản, bao gồm siêu âm tử cung, siêu âm bụng, kiểm tra nội tiết tố sinh dục, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo… Khám sức khỏe sinh sản trước khi cưới giúp phát hiện các yếu tố gây vô sinh hiếm muộn, yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai…
5. Xét nghiệm các bệnh mạn tính trước khi kết hôn
Trước khi kết hôn, các cặp đôi cũng cần thăm khám các bệnh mạn tính để sớm phát hiện, điều trị, theo dõi kiểm soát bệnh, tránh diễn tiến xấu. Một số bệnh mạn tính đặc biệt có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ, làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, thậm chí dẫn đến tử vong, chẳng hạn như tiểu đường, tim mạch… Các bệnh lý này cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng thai kỳ.
QUY TRÌNH KHÁM TIỀN HÔN NHÂN NHƯ NÀO?
Tùy theo từng cơ sở y tế mà quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân có sự khác biệt. Thông thường, các cặp đôi trước khi cưới từ 1 – 6 tháng nên bắt đầu đăng ký thăm khám, đánh giá sức khỏe tổng quát. Sau khi đăng ký, bác sĩ tiến hành thu thập thông tin, bệnh sử cũng như các thông tin sức khỏe liên quan của gia đình và cặp đôi.
Tiếp đó, bác sĩ bắt đầu đánh giá sức khỏe tổng quát (cân nặng, chiều cao, huyết áp, chức năng hô hấp và chức năng tim mạch…) rồi thực hiện các xét nghiệm (xét nghiệm máu, xét nghiệm phụ khoa, xét nghiệm đánh giá chức năng sinh sản…). Khi có kết quả của các xét nghiệm, bác sĩ dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của từng cặp đôi để đưa ra tư vấn điều trị, cách duy trì sức khỏe phù hợp.